Sản phẩm mới
TS. Cấn Văn Lực: Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cho vay bất động sản
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, mặc dù dư nợ bất động sản trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam ở mức khoảng 21% nếu xét cả cho vay chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng so với tổng quan nền kinh tế của các nước phát triển thì tỷ lệ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa phải ở mức cảnh báo. Kể cả trong kịch bản xấu nhất, với sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã và đang xây dựng được trong nhiều năm thì Việt Nam vẫn có đủ nền tảng vững chắc để đi qua “cơn bão”.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại diễn đàn DINSIGHTS do CTCK VNDirect tổ chức
Theo TS Cấn Văn Lực, nhà đầu tư nên hiểu rằng khó khăn của thị trường bất động sản lần này rất khác so với 10 năm trước đây. Lần này thị trường bất động sản gặp khó là do thiếu cung, còn 10 năm trước là dư cung. Lần này nhu cầu thực vẫn có nhưng vấn đề là đang bị ách tắc về mặt pháp lý, vi phạm pháp luật và dòng vốn cũng bị đứt đoạn. Giả sử mọi thứ được khơi thông bởi pháp lý và vốn thì lập tức thị trường bất động sản sẽ phục hồi rất nhanh chứ không xập xệ như 10 năm trước.
Theo số liệu được bám sát và rà soát từ công bố của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam chiếm khoảng 21% tổng dư nợ, nhưng trong đó có đến 68% cho vay gắn với nhà ở. Còn cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản là 32%. Tỷ lệ này khá là êm so với Trung Quốc.
Về chất lượng tín dụng bất động sản, nếu tính bình quân thì đúng là có cao hơn nợ xấu bình quân của hệ thống ngân hàng 1 chút. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, nợ xấu nội bảng khoảng 2.9% còn nợ xấu gộp khoảng 5%. Tất nhiên áp lực nợ xấu từ bất động sản có tăng lên nhưng về cơ bản nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Như vậy nợ xấu của bất động sản có cao hơn một chút nhưng bởi vì hệ thống ngân hàng chỉ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 7% trên tổng dư nợ nên về cơ bản nợ xấu của bất động sản không phải quá lớn, kể cả trường hợp 50% cho vay kinh doanh bất động sản có thể trở thành nợ xấu.
Hơn nữa, nếu so tỷ lệ 21% cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam với quốc tế thì tỷ lệ này vẫn khá là thấp. Các nước thông thường họ cho vay bất động sản bao gồm cả cho vay nhà ở và cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 28-29% tổng dư nợ. Rõ ràng Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cho vay bất động sản, nhất là phân khúc cho vay nhà ở và kể cả cho vay phát triển khu công nghiệp.
“Ngoài những ý đã nêu, điểm đáng chú ý cuối cùng là hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay hoàn toàn có đủ kinh nghiệm phòng chống rủi ro, quản trị rủi ro, kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng, kinh nghiệm xử lý nợ xấu, mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng. Khủng hoảng 10 năm trước đã cho Việt Nam rất nhiều bài học quý giá nên tôi tin rằng thị trường của chúng ta sẽ có khả năng vượt qua được khó khăn.”, TS Cấn Văn Lực bày tỏ.
Khang Di
FILI